Cách để tối ưu hoá dung lượng lưu trữ trong Windows 10 20H2 qua Windows Settings



Windows 10 20H2 đã được Microsoft ra mắt vào tháng 10 vừa rồi, và để cho anh em sử dụng bản cập nhật này được mượt mà và tối ưu nhất. Trong bài này, mình sẽ hướng dẫn anh em cách để tối ưu hoá dung lượng lưu trữ và ổ cứng của anh em nhé.

Windows 10 20H2 ra mát với nhiều tính năng và thay đổi mới 

Tất nhiên là tối ưu tốt chiếc PC hay laptop của anh em thì trải nghiệm dùng Windows 10 sẽ tăng lên đáng kể và anh em sẽ hạn chế tối đa việc dính những lỗi ngớ ngẩn hay bị phình dung lượng ổ cứng quá mức. Bất kể anh em là người dùng chuyên nghiệp hay chỉ là những người dùng cơ bản thì đều cần phải tối ưu dung lượng ổ cứng của mình, hoặc là do mải mê làm việc nên nhiều người quên đi xoá hoặc tối ưu lại dung lượng lưu trữ trên máy của mình, khiến cho hiệu năng cũng như hiệu suất làm việc bị ảnh hưởng.

Và công cụ duy nhất anh em sử dụng là Windows Settings, Microsoft hiện đã hướng người dùng sử dụng Windows Settings nhiều hơn và mình cũng muốn như vậy, để có thể kết thúc vòng đời cho Control Panel thì anh em nên tích cực sử dụng Windows Settings hơn, trong bài này mình hướng dẫn anh em cũng sẽ chỉ nằm trong Windows Settings mà thôi.

Cách tối ưu hoá SSD trên Windows 10 20H2



Cụ thể, chúng ta sẽ sử dụng một tính năng được Microsoft tích hợp vào Settings, đó là Storage Sense. Để bật Storage Sense, anh em làm như sau:
  • Mở Settings.
  • Chọn Systems.
  • Chọn Storage.
  • Gạt thanh gạt để kích hoạt tính năng Storage Sense.
Storage Sense là một tính năng tự động tối ưu hoá dung lượng lưu trữ cho Windows 10 được Microsoft tích hợp vào Windows 10 từ bản Spring Creators Update. Nó sẽ tự động phát hiện những file rác hoặc các file cache sinh ra trong quá trình sử dụng máy và xoá đi để vừa tối ưu dung lượng lưu trữ, vừa cải thiện hiệu năng của máy tính, người dùng sẽ không cần phải làm gì nhiều vì tất cả đã được tự động hoá. Tuy nhiên, vẫn cần một số các tuỳ chỉnh để tính năng này chạy ngon nhất.


Để mở rộng tuỳ chỉnh Storage Sense, anh em click vào Configure Storage Sense or run it now. Sau khi cửa sổ tiếp theo mở ra, anh em có thể quyết định tần suất chạy Storage Sense, tần suất xóa các tệp tạm thời và tải xuống cũng như các hệ thống lưu trữ đám mây như OneDrive sẽ duy trì các bản sao tệp cục bộ trong bao lâu. Khi đã lựa chọn xong, hãy bật Storage Sense và nhấp vào nút Clean Now nằm ở cuối trang.


Lúc này tuỳ thuộc vào dung lượng file mà việc này có thể lâu hoặc mau. Sau khi xong, anh em quay lại màn hình Storage Sense, kéo xuống dưới Windows sẽ cho anh em thấy mỗi thư mục trên máy tính của mình sẽ chiếm khoảng bao nhiêu. Ở đây Windows chia thành các mục chính như là Apps & Features, Other, Temporary files… Từ đây, anh em có thể xóa các ứng dụng không sử dụng nữa, chọn các tệp tạm thời để xóa và xem nơi có thể khôi phục dung lượng lưu trữ. Nhấp vào một danh mục cụ thể để xem chi tiết hơn. Ví dụ, nhấp vào Apps & Features, như trong hình, nó sẽ hiển thị danh sách chi tiết các ứng dụng đã cài đặt. Theo cách truyền thống từ xưa đến nay, danh sách này sẽ được tìm thấy trong Control Panel của Windows 10.

Sau đó, một lần nữa, anh em quay trở ra trên màn hình Storage Sense, cuộn xuống phần "More storage settings". Phần này cho phép anh em xem các ổ đĩa khác, thay đổi nơi lưu trữ nội dung mới, quản lý không gian lưu trữ và xem các tùy chọn sao lưu. Phần này cũng cấp quyền truy cập vào các cài đặt tối ưu hóa ổ cứng thường chỉ có thể truy cập được thông qua Control Panel. Click chọn vào liên kết "Optimize Drives" để tối ưu hoá.


Thực chất đây là một tính năng chống phân mảnh ổ đĩa của Windows. Trước đây để chạy tính năng chống phân mảnh anh em phải làm thủ công và thường phải làm định kỳ vì Windows lúc đó chưa có cơ chế chạy tự động. Nhưng với Windows 10, nó đã được chạy một cách tự động mà anh em không phải làm thêm gì cả, như hình thì mặc định nó sẽ thực hiện 1 tuần 1 lần.

Tổng kết lại, tuy việc tối ưu hoá dung lượng và ổ cứng bây giờ đã được thực hiện tự động, nhưng anh em cũng vẫn phải có trách nhiệm theo sát và tinh chỉnh cho hợp lý, vì máy chạy như thế nào đi chăng nữa vẫn sẽ có xác suất xảy ra lỗi, và anh em sẽ là người giải quyết lỗi đó. Hơn nữa, các bước để làm chuyện này nó đã quá dễ và đơn giản, không cần anh em phải có kiến thức quá chuyên sâu về phần cứng, cũng như giao diện cài đặt nó không còn phức tạp và có vẻ “hacker” như ở trên Control Panel nữa, hãy yêu thương chiếc máy của anh em vì nó là bạn đồng hành hoặc là một công cụ kiếm tiền của mình đó.
Nguồn : Tinhte