Hướng dẫn nâng cấp Windows 10 32bit lên 64bit

Theo mặc định, nếu bạn nâng cấp từ Windows 7 hoặc Windows 8.1 32bit lên Windows 10 thì phiên bản đó cũng sẽ là 32bit. Trong trường hợp bạn muốn nâng cấp từ Windows 10 32bit lên 64bit thì phải làm sao?

Thực ra việc nâng cấp này có thể được tiến hành khá dễ dàng, chỉ cần bạn đảm bảo được các yếu tố sau đây:

CPU trong máy tính phải tương thích thì mới nâng cấp Windows 10 32bit lên 64bit được

Trước khi nghĩ đến việc nâng cấp Windows 10 từ 32bit lên 64bit, bạn phải xác nhận được một thứ rằng CPU trong máy tính bạn đang sử dụng có thể tương thích với nền tảng cao cấp này. Hãy truy cập vào Settings -> System -> About và quan sát dòng System type ở cột bên phải. Cột này có 3 loại:

  • 64-bit operating system, x64-based processor: CPU trong máy tính của bạn có hỗ trợ 64bit và bạn đã cài đặt sẵn hệ điều hành Windows 10 64bit rồi.
  • 32-bit operating system, x86-based processor: CPU trong máy tính của bạn không hỗ trợ 64bit và bạn đã cài đặt hệ điều hành Windows 10 32bit.
  • 32-bit operating system, x64-based processor: CPU trong máy tính của bạn có hỗ trợ 64bit nhưng bạn đang sử dụng phiên bản Windows 10 32bit.
Nếu bạn thấy dòng thứ 2, bạn không thể nâng cấp lên phiên bản 64bit. Nếu bạn thấy dòng thứ 3, hãy tiếp tục thực hiện các bước bên dưới.

Kiểm tra các driver 64bit để nâng cấp Windows 10 32bit lên 64bit

Cho dù CPU có tương thích với nền tảng 64bit này thì các phần cứng còn lại trong mainboard cũng chưa chắc làm được. Để kiểm tra cho kĩ, bạn có thể truy cập vào website của nhà sản xuất driver hoặc tận dụng tính năng Windows Update sau khi cài đặt xong Windows 10 64bit. Hệ thống sẽ tự động bổ sung các driver còn thiếu của các phần cứng.

Cài đặt mới hoàn toàn để nâng cấp Windows 10 32bit lên 64bit

Chỉ có một cách duy nhất để thực hiện được việc nâng cấp này: Bạn phải thực hiện việc cài đặt lại từ đầu.

Trước khi cài đặt mới, bạn hãy sao lưu toàn bộ các dữ liệu quan trọng của mình sang một phân vùng khác mà không phải là phân vùng bạn định cài đặt phiên bản Windows 10 64bit vào đó. Ví dụ như bạn chia ổ đĩa của bạn thành các phần vùng C và D, trong đó C là phân vùng cài đặt Windows 10 64bit thì bạn hãy chuyển các dữ liệu quan trọng sang phân vùng D là được.

Sau khi đã đảm bảo dữ liệu của mình được sao lưu cẩn thận, việc tiếp theo là bạn hãy truy cập vào Settings -> Update & Security -> Activation để kiểm tra xem phiên bản Windows 10 của bạn đã được kích hoạt bản quyền hay chưa. Nếu có dòng chữ như trên ảnh thì key bản quyền của bạn đã được liên kết vào tài khoản Microsoft mà bạn đã dùng để đăng nhập trước đó.


Tiếp theo, bạn hãy truy cập vào đây và tải công cụ Media Creation Tool chính chủ của Microsoft về: https://www.microsoft.com/en-us/software-download/windows10. Khi cài đặt xong và khởi chạy công cụ này, bạn hãy chọn dòng Create installation media for another PC và cài vào một chiếc USB cho tiện sử dụng về sau. Khi được hỏi muốn cài phiên bản nào, hãy chọn 64bit (x64).


Tiếp theo, bạn hãy khởi động lại máy tính và boot vào USB để chạy bộ cài đặt. Chọn Custom install và cài đè vào phân vùng chứa Windows cũ. Khi được yêu cầu nhập key bản quyền, hãy bỏ qua bước này và tiếp tục. Khi bạn ra đến màn hình desktop, Windows 10 sẽ tự động yêu cầu bạn đăng nhập tài khoản Microsoft và sau đó kích hoạt bản quyền cho bạn. Bây giờ bạn đã hoàn thành quá trình nâng cấp Windows 10 32bit lên 64bit.
Nguồn: Howtogeek